Namaste! Chắc mọi người chờ bài về Taj Mahal cũng lâu rồi ha. Bữa này đang có hứng viết lách nên viết luôn về Agra gửi các bạn đọc đây.
Agra, nơi có Taj Mahal nổi tiếng, có lẽ ai qua du lịch Ấn Độ cũng không bỏ qua được. Chuyến đi tới Agra của bọn mình có thể nói là thú vị nhất trong tất cả các nơi.
Vì sao ư? Vì nó hội đủ các cảm xúc của một chuyến đi, vừa thất vọng vì hostel đã đặt trên booking, rồi lại xúc động vì anh chủ hostel quá dễ thương, và ngay sau đó tức giận vì bị cái hãng xe buýt đặt online nó lừa, đứng chờ mút mùa xe cũng không tới đón, hay bữa ăn lề đường với giá ngang với fine dining, hạnh phúc tột độ khi được thưởng thức một bữa ăn hay món ngon, và cuối cùng sự ngưỡng mộ và cảm xúc khó tả khi được đứng dưới Di sản thế giới Taj Mahal. Đấy! Toàn bộ mấy ngày ở Agra của mình được lấp đầy bằng đủ thứ cảm xúc hỗn độn như thế đó. Nhưng mình vẫn phải nói, Agra là nơi rất đáng để đi, một nơi không thể bỏ qua khi đến thăm Ấn Độ.
Mục lục
- 1 NHỮNG ĐIỀU CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT VỀ AGRA VÀ TAJ MAHAL
- 2 THAM QUAN/ ĂN GÌ Ở AGRA?
- 2.0.1 #1: Đương nhiên là sáng dậy sớm đi xem mặt trời mọc ở Taj Mahal rồi
- 2.0.2 #2: Ghé thăm Agra Fort
- 2.0.3 #3: Ăn uống ở nhà hàng sang trọng Pinch of Spice, Agra
- 2.0.4 #4: Ăn ở quán ăn nhỏ Joney’s Place
- 2.0.5 #5: Ăn thử các món ăn đường phố ở Agra
- 2.0.6 #6: Đừng rời Agra hay Ấn Độ mà chưa uống thử Cold Coffee nha
NHỮNG ĐIỀU CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT VỀ AGRA VÀ TAJ MAHAL
- Agra là thành phố của Taj Mahal, cách Delhi khoảng 200km (khoảng 4 tiếng đi tàu hỏa, cách Jaipur khoảng 6 tiếng đi tàu hỏa)
- Agra có 3 Di sản Thế Giới là Taj Mahal, Agra Fort và Fatehpur Sikri (Mình chỉ đi Taj Mahal và Agra Fort thôi, chỗ còn lại hơi xa nên không đi)
- Agra rất nóng, nhiệt độ lúc mình là cuối tháng tư rơi vào khoảng 44 độ C. Bên ngoài khá ô nhiễm, nhiều rác, tuy nhiên khu vực Taj Mahal lại rất sạch sẽ nhé.
- Agra nổi tiếng với Taj Mahal (đền thờ Hồi giáo) nhưng không có nghĩa thành phố này có nhiều người Hồi giáo đâu, số lượng người Hồi Giáo chỉ chiếm khoảng 9% thôi
- Có một câu chuyện tình đằng sau Taj Mahal: Taj Mahal được xây dựng vào những năm 1632 bởi Quốc Vương Shah Jahan để tưởng nhớ tới người vợ của ông là Hoàng hậu Mumtaz Mahal, người Ba Tư, bà mất khi sinh người con thứ 14.
THAM QUAN/ ĂN GÌ Ở AGRA?
#1: Đương nhiên là sáng dậy sớm đi xem mặt trời mọc ở Taj Mahal rồi
Hôm đấy bọn mình dậy từ 4.30 sáng lục đục để đi xem mặt trời mọc ở Taj Mahal. Để xem mặt trời mọc, các bạn nhớ đi ra phía cửa Đông nhé (Taj Mahal East Gate), vé vào cửa cho người nước ngoài là 1000 rs., chỗ bán vé cách cổng chính ở khá xa đó các bạn, nhớ mua ở đấy rồi mới vào, chứ đừng vào tới nơi mới tìm chỗ mua, mất thời gian vòng ngược ra. Thêm nữa khi đi các bạn chỉ mang ít đồ thôi, tốt nhất là chỉ mang theo túi đựng máy ảnh, vì balo to họ không cho vào đâu. Trước khi vào trong sẽ phải kiểm tra hành lý qua máy ở phía ngoài cổng. Khu vực ở ngoài chỗ đi vào đền mọi người có thể đi giày/ dép, nhưng muốn đi lên trên đền thì nhớ cởi giày ra nhé, họ có bán vớ bọc giày/ dép ngay đo đó, có 10 rs à, mua đi cho thoải mái.
Cổng East của Taj Mahal mở đúng 6 giờ, nên cho dù mọi người có tới sớm hơn cũng phải đứng chờ tới 6 giờ à. Mà các bạn đừng lo, hôm đấy mình vào đứng ngoài chụp bao nhiêu ảnh mới thấy mặt trời lên từ từ thôi. Cơ mà cứ phải chạy ra cái đền chụp tấm mặt trời mọc trước đi nhé, chứ nó lên cao nhanh lắm.
Hôm đấy vui lắm, bọn mình đi ngay hôm 18/4, giữa đường loay hoay hỏi chỗ mua vé vào Taj Mahal thì chú kia nói hôm đấy Taj Mahal mở cửa miễn phí cho tất cả mọi người vào tham quan nhân ngày Lễ Di Sản Thế Giới 18/4 hehe, hôm đấy mình vui quá vì không mất 1000 rupee mua vé. Lúc đi vào trong, đứng dưới một tuyệt tác của nhân loại như vậy mình mới thấy mình thật nhỏ bé, mắt còn rưng rưng nữa cơ, vì không ngờ có ngày mình cũng được tận mắt nhìn thấy Taj Mahal đẹp hơn tranh như thế.
#2: Ghé thăm Agra Fort
So với Amer Fort ở Jaipur, mình thích Agra Fort hơn. Chẳng hiểu vì sao, chỉ là thích kiến trúc của nó thôi, từ Agra Fort mình cũng có thể nhìn thấy Taj Mahal. Giá vé chỗ này là 550 rupee. Nếu bạn đi Taj Mahal và có vé thì nhớ giữ, sẽ được giảm 50 rupee.
#3: Ăn uống ở nhà hàng sang trọng Pinch of Spice, Agra
Nghe tên vậy thôi chứ giá cũng ok lắm. Mình thấy rẻ hơn ở Manila nhiều lắm, mà lại còn ngon nữa chứ, thảo nào nhà hàng này lúc nào cũng nằm trong top những nhà hàng cần ghé ăn ở Agra. Bọn mình order các món như hình, món nào cũng ngon, cả bữa ăn bao nhiêu món thế mà chỉ có khoảng 1500 rupee thôi.
#4: Ăn ở quán ăn nhỏ Joney’s Place
Joney’s Place nổi tiếng không kém Pinch of Spice với giá bình dân hơn, mình thấy món nào ở đấy cũng ngon, chỉ có đồ uống, món sinh tố nổi tiếng của họ lại không làm mình thích lắm. Có lẽ vị giác mình khác với mấy bạn Tây haha, món nào mấy bạn đó kêu ngon là mình thấy dở à.
#5: Ăn thử các món ăn đường phố ở Agra
Các bạn có thể xem video về món ăn đường phố mà mình ăn ở Agra ở link https://nganbalo.com/2017/05/gioi-thieu-mon-duong-pho-papdi-papri-chaat-o-agra/ , ngoài ra mình cũng có ăn thử đồ ăn sáng như trong hình dưới đây nữa. Đồ ăn sáng cũng ngon, nhưng sáng ra ăn bánh chiên như vậy mình thấy hơi nóng bụng.
#6: Đừng rời Agra hay Ấn Độ mà chưa uống thử Cold Coffee nha
Món đồ uống yêu thích tiếp theo của mình bên cạnh Lassi là đây. Cold Coffee ở quán ăn nào cũng có bán, các bạn đi ăn nhớ gọi thử uống nhé. Có lẽ vì sữa bên Ấn Độ uống rất ngon nên thêm chút cà phê vào nữa, cứ gọi là tuyệt vời luôn ấy. Tiếc là hôm đấy mình ra ngoài ăn mà không mang theo máy ảnh. Để bài sau về Rishikesh mình sẽ đăng hình món này sau nhé. Mà chỗ mình ăn lần cuối ở Agra bán mỗi cold coffee ngon thôi, cái món cà ri gà mình bị chém đẹp luôn, mắc hơn cả ăn ở Pinch of Spice. Giờ nhớ lại vẫn ghét ông chủ quán thế không biết.
KINH NGHIỆM ĐẶT PHÒNG KHÁCH SẠN Ở AGRA
Bọn mình ngồi tàu hỏa từ 2 giờ chiều tới tận hơn 10 giờ đêm mới tới Agra, tàu dừng ở ga Agra Fort khá xa chỗ hostel mà mình book ở gần Taj Mahal (book với mục đích xe mặt trời mọc buổi sáng ấy mà). Sau khi bị chém đẹp bởi chú tuktuk, chúng mình cũng tới được nơi ở. Bạn chủ hostel khá trẻ, mình nghĩ chắc chỉ bằng tuổi mình thôi, nhiệt tình mở cửa cho bọn mình vào check – in, bạn nhiệt tình lắm, tuy có một cái là phòng bẩn quá, khác xa với ảnh trên trang booking và những review trển (sau này mình mới biết phần lớn review do bạn ấy tự làm). Cái phòng thực sự rất tối tăm và có mùi, nhà vệ sinh cũng rất là bẩn. Tuy nhiên vì mình trả có 750 rupee cho phòng này nên cũng không phàn nàn gì, đành cắn răng ở thôi vì “You get what you pay!”. Chính vì nó bẩn quá nên mình cũng không biết có nên giới thiệu cho mọi người không, thật ra sau khi mình phàn nàn, bạn ấy cũng cho người vào dọn phòng, dọn xong cũng đỡ hơn chút chút thôi. À điểm cộng cho chỗ mình ở chỉ là bạn chủ hostel quá tốt, bạn còn tổ chức buổi tiệc sinh nhật nho nhỏ bất ngờ cho người yêu mình nữa, vì hôm mình ở Agra cũng là sinh nhật của ảnh. Khỏi nói cũng biết ảnh xúc động thế nào. Tiếp đó sau khi bọn mình bị lừa và không lên được xe buýt đi Varanasi, bạn đã cho mình ở thêm nửa ngày nữa để hôm sau đón xe buýt về Delhi và đi Rishikesh, bạn cũng giúp đỡ bọn mình nhiều trong việc gọi điện đòi tiền của trang đặt xe buýt online, hay check vé tàu hỏa online.
Đấy là về chỗ mình ở, còn kinh nghiệm là khi đặt phòng trên booking, các bạn nên đọc review của khách nước ngoài, chịu khó kéo xuống dưới một chút, vì những cái review cho nhiều điểm như 9 hay 10 mà thấy của người Ấn là hiểu rồi đó, toàn giả thôi. Và thêm nữa, các bạn nhớ mở hình ảnh để xem tất cả các hình nhé, mà nói chung câu tiền nào của nấy cũng đúng, vì mình đi du lịch dài ngày quá nên túi tiền cũng rất hạn chế, đành ở tạm chỗ rẻ một đêm cũng được. Ở bẩn 1 hôm không chết được đâu hehe, đi Ấn Độ thì thôi chấp nhận chịu bẩn chứ sao giờ.
Ngoài ra các bạn cũng có thể ở ở một số hostel sạch sẽ như: Zostel Agra hay Moustache Agra
Để giúp mình duy trì blog, bạn đọc có thể đóng góp bằng cách click vào link dưới, cảm ơn các bạn nha 🙂
Tặng Ngân 1 ly cà phêBạn có thể cũng quan tâm đến các bài viết sau
6 Comments
tự nhiên có 1 cây cột bị bảo trì uổng quá, hỏng mẹ cái view 🙁
:)) ừ đúng rồi haha, mà nó bảo trì mấy tháng nay rồi đó bà
Đợt đi Sing, con sư tử cũng bị bọc lại bảo trì haha, xui vãi
Pingback: Kinh nghiệm du lịch bụi Ấn Độ - Ngân Balo
Pingback: Ẩm Thực Ấn Độ: Ăn gì, uống gì? - Ngân Balo
Pingback: Kinh nghiệm du lịch bụi Ấn Độ - Ngân Balo