Sáng hôm sau, Akhsan và Ria đã chở mình đi thăm núi lửa Tangkuban Perahu và thác Curug Cimahi ở Bandung. Quả thật trong hơn bốn ngày ở Bandung mình rất xúc động về tình cảm của hai bạn, từ việc sắp xếp công việc và nghỉ tận bốn ngày để có thể dành trọn thời gian đưa mình đi chơi cũng như nếm thử các món ăn ngon ở Indonesia.

(Đọc lại bài trước về Bandung ở đây)

Ăn sáng

Núi lửa Tangkuban Perahu cách trung tâm Bandung khoảng hơn hai chục km, nếu không kẹt xe, chạy cỡ hơn một tiếng sẽ tới nơi. Nhưng mà trước khi đi phải nạp năng lượng cái đã. Anh Akhsan chở tụi mình đến một quán trên đường đi để ăn thử món nasi goreng cho bữa sáng muộn. Trong các món ăn ở Indo, ngoài món lontong mà mình mê tít khi ăn ở Medan ra thì nasi goreng cũng ngon tuyệt. Lần nào đi ăn đồ Indo bên Manila này mình cũng phải order nasi goreng. Cũng chỉ là cơm chiên bình thường thôi, nhưng các cái gia vị mà họ dùng trong món này không lẫn đi đâu được, ăn một lần là nhớ mãi cái vị đặc biệt đó.

Nasi Goreng

Núi lửa Tangkuban Perahu

Núi lửa Tangkuban Perahu thuộc dạng núi hỗn hợp vì nó có tận ba miệng núi lửa là Kawah Ratu, Kawah Domas, và Kawah Upas (“Kawah” nghĩa là crater “miệng núi lửa”). Trong khi Kawah Ratu to đẹp hùng vĩ nhất với tên gọi mĩ miều “Queen Crater” nằm ngay phía bên ngoài thì để đi đến hai miệng núi lửa còn lại mình phải trek một đoạn không gần lắm. Chú guide dẫn mình đi theo một con đường mòn với hai hàng cây (loại cây mà chỉ có ở khu vực núi lửa) uốn éo đủ kiểu, ma mị tuyệt đẹp. Vừa đi vừa ngắm cảnh, nghe chú ấy giải thích về các đặc điểm sinh học của khu vực núi lửa rất thú vị (đương nhiên Ria dịch lại cho mình rồi, vì chú không có nói được tiếng Anh). Khi mùi lưu huỳnh càng ngày càng nồng nặc là hiểu rằng mình đã đi tới gần lắm rồi. Khác với Kawah Ratu tuy đẹp mà chỉ được ngắm từ trên cao, với miệng núi lửa Domas, mình có thể đi xuống tận nơi để ngâm chân ở vùng nước ấm và thậm chí luộc trứng ở các khu vực có nước đang sôi sùng sục. Tuy đã đi qua núi lửa Pinatubo Taal VocalnoPhilippines rồi, nhưng được đi xuống tận nơi nhìn thấy khói nghi ngút, ngửi mùi lưu huỳnh thum thủm, hay ngâm chân vào các hố nước ở đây thì thực sự là trải nghiệm đầu tiên của mình. Sau lần này mình đâm ra ghiền núi lửa Indonesia luôn nha, nếu có dịp mình nhất định sẽ quay lại để khám phá thêm nhiều núi lửa khác.

Kawah Ratu (Queen Crater)
Đoạn đường đi xuống Kawah Domas
Trong hình là chú guide, anh Akhsan và Ria
Khu vực miệng núi lửa Kawah Domas
Chỗ nước sôi này có thể luộc được trứng
Chỗ nước âm ấm thì mình ngâm chân

Lúc trek quay lại khu vực đậu xe, chú guide dẫn mình đi theo một đường khác, con đường mòn này xuyên qua rừng cây nhiệt đới chứ không phải loại cây cong queo như đường ban đầu. Đường đi tuy dài hơn một chút nhưng mát mẻ, không khí trong lành, với mùi đất và lá ẩm dễ chịu tỏa lên sau cơn mưa.

Đường mình đi xuống xuyên qua khu rừng rậm này

*Tip 1: Nếu muốn luộc trứng các bạn mua ở ngoài nhé hoặc mang ở nhà đi, vì mua bên trong giá sẽ cao hơn nhiều. Thêm nữa có nhiều người bán các loại dâu tây và phúc bồn tử, tuy nhiên mình nghe Ria nói có lần bạn ấy mua, lúc mua tươi lắm, nhưng về đến nhà mở ra là nó héo queo hư luôn. Nên mọi người chú ý nha.

Anh bán phúc bồn tử đang dụ mình mua

*Tip 2: Khi đi vệ sinh, sẽ phải trả khoảng 2000 IDR thì phải, mọi người nhớ chuẩn bị tiền lẻ và giấy vệ sinh nha.

*Tip 3: Gần nhà vệ sinh có một chú bán đậu hũ chiên ngon tuyệt, các bạn cũng biết khu Lembang này nổi tiếng về đậu hũ sữa mà, đừng quên mua ăn thử nha. Bữa đó mình ăn xong mà nhớ mãi miếng đậu hũ vỏ giòn tan do được tẩm bột trứng khi chiên (tahu telur) và bên trong mềm mịn thơm thơm chấm với ớt sambal cay nồng. Vì ghiền quá mà bây giờ đang phải google tìm cách làm thử món tahu susu (milk tofu) này nè.

Đậu hũ chiên Lembang

Giá vé vào cửa: 200,000 IDR cho người nước ngoài (ngày thường), đi cuối tuần tận 300,000 IDR. Tuy nhiên giá đó chỉ là vô cửa thôi, còn khi đi xuống chỗ Kawah Domas sẽ có thêm một cái booth cho thuê guide dẫn xuống, hình như giá là 100,000/ guide cho 1-6 người thì phải, mình quên mất tiêu rồi.

Mở cửa từ 7am – 5pm

Cách đi: Các bạn có thể thuê xe để đi nếu đi đông người và không có bạn chở như mình, hoặc nếu đi một mình có thể tới Terminal Cibadak rồi bắt xe buýt nha.

Thác cầu vồng Curug Cimahi

Sau khi ăn trưa ở quán nhà chòi trên sông tên Mang Engking Lembang với các món ăn truyền thống ở vùng này, tụi mình di chuyển đến thác cầu vồng Curug Cimahi trên đường về lại Bandung. Gọi là thác cầu vồng vì người ta gắn đèn đủ màu sắc ở phía trong thác, đến khoảng 6h tối họ sẽ bật đèn và lúc đó thác có màu sắc như cầu vồng đó. Ai thích cái này chứ mình chỉ thích màu sắc tự nhiên thôi, nên ráng tới trước giờ mở đèn để được ngắm sự hùng vĩ và bọt nước trắng xóa của thác Curug Cimahi.

Ăn trưa trên hồ cá chép
Với các món cá chiên tẩm sốt, mực, đậu hũ, tempeh, và rau muống xào sambal. Do mình ăn bằng tay nên mùi sambal từ món rau muống thoang thoảng mãi đến tận lúc về tới nhà
Thác Curug Cimahi nhìn từ phía trên

Tội nghiệp cô bạn Ria của mình, không phải là người ưa vận động, nhưng nàng đã rất cố gắng để trek hết đoạn đường bên núi lửa, và thêm 30 phút leo lên leo xuống cái thác này. Nhìn nàng vừa đi vừa thở mà thương ghê, nhưng mà cố lên Ria à, leo lên leo xuống rất tốt cho sức khỏe đó!

Cho người mẫu mập của mình lên hình để các bạn thấy được thác hùng vĩ như thế nào

Curug Cimahi là một trong những thác đẹp nhất mà mình từng đến (đương nhiên không sánh bằng thác OrkhonMông Cổ với con đường xuống thác đẹp như truyện cổ tích rồi). Thác Curug Cimahi cao tầm 87m, nhìn từ trên cao đã đẹp rồi, nhưng phải đi xuống dưới và đi sát về phía thác mởi cảm nhận hết sự hùng vĩ của nó. À mà mọi người nhớ cẩn thận mấy bé khỉ ngồi chơi ở các điểm ngắm thác từ trên cao nha. Mấy em đó hoang dã nên dữ lắm đó.

Giá vé: 25,000 IDR/ người (người nước ngoài)

Mở cửa từ 8am- 8pm

Các bạn có thể đi tới đó bằng xe hơi hoặc đi xe buýt vì trạm xe buýt ở ngay phía ngoài chỗ bán vé

Trên đường về anh Akhsan và Ria rủ mình đi cắm trại vào hôm sau, hai bạn nói vừa mua được cái lều đôi to và vì khu vực núi lửa Kawah Putih mà mình đi ngày mai rất đẹp, nếu cắm trại ở đó buổi sớm sẽ được ngắm cảnh và còn thấy cả những chú nai nữa. Các bạn theo dõi bài sau để biết chuyến đi cắm trại của mình sẽ như thế nào nha. Hứa hẹn nhiều bất ngờ lắm đó!

Để giúp mình duy trì blog, bạn đọc có thể đóng góp bằng cách click vào link dưới, cảm ơn các bạn nha 🙂

Tặng Ngân 1 ly cà phêTặng Ngân 1 ly cà phê



Bạn có thể cũng quan tâm đến các bài viết sau

Author

Mình là Ngân, hiện đang sinh sống và làm việc tại Philippines, Rất vui được chia sẻ các trải nghiệm du lịch ở Philippines cũng như các nơi khác trên thế giới đến các bạn. Email mình là nganbalo.com@gmail[dot]com. Các bạn cứ để lại comment hay email khi muốn liên hệ nhé.

Write A Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.