Kinh nghiệm du lịch New Caledonia (P2)

Các bạn đọc phần 1 ở đây nha.

Sau khi đến khách sạn và nhận phòng xong xuôi đâu đó, bọn mình đi xem xung quanh và mua vài thứ cho bữa sáng hôm sau. Tổng thiệt hại gần 5000 CFP cho 4 miếng thịt xông khói, 4 trái chuối, 4 trái cà chua, 1 trái dưa leo và 1 ổ sandwich. Sau này mới biết là tiệp này bán giá này hơi mắc. Các bạn có thể mua với giá rẻ hơn ở cửa hàng Marie et Christian trên đường Rue Paul Baumier ở Anse Vata, do nằm ở vị trí hơi khuất nên chịu khó để ý vì chỉ cách tiệm tạp hóa kia một con đường.

Phòng bọn mình ở là phòng studio đầy đủ tiện nghi, có thể tự nấu ăn luôn nên mình không đặt thêm bữa sáng của khách sạn. Nếu muốn bao gồm luôn  bữa sáng thì phải trả thêm 3200 CFP/người/ngày.

Ăn sáng xong bọn mình bắt xe bus đi ra thủ đô. Chỗ mình ở gần trạm xe bus nhưng do lạ nước lạ cái nên cứ đi đại cuối cùng tới cái trạm khác cách đó cả cây số. Giá vé là 210 CFP, mua luôn khi lên xe.

Khi đến nơi thì thấy chợ trung tâm đã đóng cửa nên bọn mình lại lang thang ra khu trung tâm để tham quan. Khu này rất sầm uất, phố xá lúc nào cũng nhộn nhịp người mua kẻ bán, ở giữa là công viên trung tâm hay còn được gọi là Place de la Marne. Ở đây có vài quán cafe vị trí khá thuận lợi, có thể ngồi ngắm đường phố thỏa thích. Để ý thì thấy người Kanak ở đây rất là hiền lành thân thiện . Hầu hết dân cư ở Caledonia là sắc dân Kanak, ngôn ngữ chính là tiếng Pháp nên sẽ rất dễ dàng cho những bạn biết tiếng Pháp. Còn lại thì cứ dùng body-language vì hiếm có ai dùng tiếng Anh. Thậm chí nhiều khách sạn cũng không dùng tiếng Anh vì đa phần khách du lịch đến từ Pháp hoặc những vùng nói tiếng Pháp. Mình có hỏi thăm và trò chuyện với một bác người Úc để tìm khách sạn nơi mình hẹn chị Chiquita, bác nói với mình “hỵ vọng có thể tìm được một lễ tân biết nói tiếng Anh” hihi…

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở NEW CALEDONIA

Có một điều may mắn là nếu như bạn không biết tiếng Pháp hay tiếng Anh, khi ở thủ đô Noumea cũng có thể nói tiếng Việt vì người Việt tập trung ở đây khá nhiều. Bạn hoàn toàn có thể nghe người ta nói chuyện bằng tiếng Việt với nhau rất rôm rả ở các sạp trong chợ trung tâm, bến xe hay các khu mua sắm, ăn uống… các biển hiệu của của các cửa tiệm ở đây cũng dùng nhiều tiếng Việt. Vô tình lại nhìn thấy một đài tưởng niệm “Chân Đăng Vietnamiens” ở trung tâm nên mình nghĩ đây là khu người Việt và cũng tò mò muốn tìm hiểu thêm về những người Việt Nam đầu tiên sang New Caledonia.

Vào khoảng giữa năm 1891, có 791 người rời Hải Phòng để sang New Caledonia hay còn gọi là Tân Thế Giới lúc bấy giờ. Trên thực tế chỉ có 41 người tự nguyện ký giấy để đi làm (được gọi là người “Chân Đăng”), còn lại là tù nhân  bị lưu đày. Khi sang đây, họ được gọi bằng những con số, thường là 2 số cuối của mã số cá nhân đã được mặc định trước đó. Họ làm việc không ngày nghỉ, thường bị đánh đập tàn nhẫn nhưng họ vẫn tin rằng sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở quê nhà. Những người mộ phu sẽ nhận được tiền lương hàng tháng là 9 đồng cho phụ nữ và 12 đồng cho đàn ông, cao gấp 30 lần ở VN lúc bấy giờ. Những năm tiếp theo, có đến gần 6000 người Việt sang đây để làm việc. Tuy nhiên, công việc rất vất vả và phải chịu đựng đủ thứ cực hình. Có những người không chịu nỗi nên họ chặt ngón tay trỏ để được người Pháp cho về nước với một khoản bồi hoàn 2000 đồng. Sau này, khi “chiêu trò” này bị phát hiện, người nào làm như vậy sẽ càng bị ngược đãi nhiều hơn.

Sau năm 1960, phần lớn người Việt hồi hương, chỉ còn lại khoảng 2000 người, đa phần chuyển về Noumea để tiếp tục sinh sống. Với đức tính vốn chăm chỉ, chịu thương chịu khó của người Việt Nam, họ dần có một cuộc sống ổn định và cũng dần xây dựng được một cộng đồng người Việt ở Noumea.

Để giúp mình duy trì blog, bạn đọc có thể đóng góp bằng cách click vào link dưới, cảm ơn các bạn nha 🙂

Tặng Ngân 1 ly cà phêTặng Ngân 1 ly cà phê



Bạn có thể cũng quan tâm đến các bài viết sau

Author

Trúc đang sống và làm việc tại New Zealand, chị chia sẻ các kinh nghiệm về du lịch cũng như cuộc sống ở New Zealand và các nước xung quanh khi chị có cơ hội đi du lịch ở đó. Các bạn có thể liên hệ với chị Trúc qua email nganbalo.com@gmail.com

Write A Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.