Mục lục
Du lịch bụi Vanuatu (1) – Ngày nhập cảnh
Mình đến Vanuatu khoảng 2h30 chiều sau 3 tiếng ngồi trên máy bay hãng Air Vanuatu. Đây là lần đầu tiên mình đi hãng này, các khoang trên máy bay rất sạch sẽ, đồ ăn lại ngon nữa. Tuy nhiên mình có chút không hài lòng với các bạn tiếp viên hàng không của hãng, suốt cả chuyến bay mà các bạn ấy không cười được một lần.
Ấn tượng đầu tiên khi đến nơi là mình thấy sân bay ở đây nhỏ xíu, xung quanh nhìn như một bến xe quê. Thời tiết ở đây được cái mát mẻ, nhiệt độ trung bình chỉ vào khoảng 18-28 độ C nên mình thấy khá là thoải mái lúc mới xuống máy bay. Nhưng cảm giác đó chưa tồn tại được bao lâu thì đã bị thay thế bằng một cảm giác không mấy thoải mái, do một cơn mưa rào bất chợt ập đến trong khi mọi người đang rồng rắn xếp hàng chờ được vào khu vực nhập cảnh. Vì sân bay quá nhỏ nên tất cả hành khách cùng chuyến bay với mình và một chuyến nữa của hãng Virgin đến từ Úc (khoảng tầm 400 người) phải nối hàng dài ra tận bên ngoài khu vực có mái che. Cơn mưa bất chợt làm cho ai nấy đều vội vã chạy sang hàng hiên để trú, đám trẻ con thì chạy loạn xạ cả lên.
Thủ tục nhập cảnh ở sân bay Vanuatu
Lưu ý: Các bạn nhớ phải điền tờ khai nhập cảnh và khai báo đồ ăn mang theo (nếu có), nhỡ quên khai sẽ bị phạt 1 triệu vatu đấy nhé (tương đương khoảng hơn 210 triệu VND).
Mình thấy việc nhập cảnh ở đây khác với một số nơi mình đã từng đến. Phòng nhập cảnh có rất đông người đang chờ trong khi nhân viên hải quan chỉ có 2 người hì hục làm không xuể. Mình cũng phải mất gần 2 tiếng xếp hàng mới đến lượt. Tới lúc nộp passport họ cũng chẳng buồn nhìn đến cái visa mà mình đã mất rất nhiều thời gian để xin. Họ chỉ hỏi có mấy câu kiểu mình sẽ ở đó bao lâu, ngày về là ngày nào rồi thôi. Lúc check-in ở sân bay New Zealand cũng vậy, chẳng ai nhìn đến cái visa của mình một tẹo.
Taxi ở Vanuatu
Sau khi làm thủ tục đâu vào đấy rồi mình ra bắt taxi để về khách sạn. Nếu muốn tiết kiệm bạn có thể đi bộ ra đường lớn đón xe bus với giá từ 150-200 vatu. Ở Vatuanu có thể phân biệt một cách dễ dàng giữa 2 loại phương tiện này thông qua biển số xe. Biển chữ B là Bus còn chữ T là Taxi. Sao phải phức tạp như vậy? Câu trả lời là do kiểu xe khá giống nhau, nếu nhìn bên ngoài thôi thì chẳng thể nào biết được đâu là bus còn đâu là taxi.
Có một điều lạ nữa là taxi ở đây tính giá theo km mà theo chỗ ngồi nữa, đủ chỗ xe mới chạy. Bạn nên hỏi giá trước khi lên xe và nhớ trả giá nhé. Từ sân bay về khách sạn mình ở khoảng 5km. Lúc đầu tài xế nói 900 vatu/người nhưng mình trả xuống 700 cũng ok ngay (bị hớ chắc luôn vì thấy bạn đi chung trả có 500).
Ở đây xe chạy bên phải giống ở VN. Đường xá thì hẹp và nhiều ổ gà, hai bên mép đường có phần hơi nhô lên cao hơn mặt đường, nếu đi xe máy sẽ rất nguy hiểm nhưng may sao ở đây rất hiếm xe máy 2 bánh. Mình quan sát cả ngày mà chỉ thấy mỗi 1 chiếc chạy ngoài đường, phương tiện chủ yếu vẫn là xe hơi. Giao thông ở Vanuatu không có giới hạn tốc độ nên xe cộ cứ thi nhau chạy như ma đuổi. Xe bus thì nhiều đến nỗi cứ mỗi 10 giây lại thấy một chiếc, chỉ cần ngoắc 1 cái là xe sẽ dừng lại đón. Xe đón khách và thả khách tùy theo nhu cầu, không có trạm dừng nào cố định hết.

Đổi tiền ở Vanuatu
Một số nơi ở Vanuatu chấp nhận tiền NZ, đô Úc và Mỹ nên bạn cũng không cần quá lo lắng nếu chưa đổi tiền. Bạn có thể đổi tiền trước ở ngân hàng NZ hoặc cũng có thể qua tới nơi rồi đổi sau để được tỉ giá cao hơn. Lúc mình đổi ở ngân hàng thì 1 NZD = 72 Vatu, qua đây thì 1 NZD (tiền NZ) = 75 Vatu.
Mình đến khách sạn nhận phòng, tắm rửa nghỉ ngơi một lát rồi tranh thủ đi loanh quanh Port Vila ngó nghiêng chút. Hẹn các bạn bài sau về Port Vila nha!
Để giúp mình duy trì blog, bạn đọc có thể đóng góp bằng cách click vào link dưới, cảm ơn các bạn nha 🙂
Bạn có thể cũng quan tâm đến các bài viết sau
1 Comment
Pingback: Kinh nghiệm du lịch bụi Vanuatu - Ngân Balo