Mình mới về Manila từ Ấn Độ chiều qua, tuy còn hơi mệt sau 2 chuyến bay khá dài nhưng do vẫn còn rất hào hứng với chuyến đi Ấn Độ vừa rồi nên quyết định kể luôn với mọi người. Nói sơ một chút về chuyến đi Ấn Độ của mình trước khi vào bài, mình ở Ấn tổng cộng là 15 ngày, trong đó mình ở thủ đô Delhi hôm đầu tiên và 2 hôm cuối trước khi bay về Manila. Có thể nói Delhi là nơi mình thích nhất trong chuyến đi Ấn Độ lần này, một nơi có sự phân biệt giữa cái cũ và cái mới rất rõ rệt, như là khi đến khu Old Delhi, mình tưởng như đang đứng trong một bộ phim Ấn Độ nào đó, những cảnh vật mà có nằm mơ mình cũng không thấy, nào là xe kéo, xe đẩy, xe ngựa, xích lô, auto…, đủ thứ âm thanh ồn ào, náo nhiệt, rồi người Ấn Độ họ vẫn còn mặt quần áo dài và trùm khăn, phụ nữ họ che mặt rồi trán có chấm đỏ. Ôi y như trong film ấy, chứ không hiện đại như những người Ấn mình gặp ở Philippines hay các nước khác. Và rác, thật đúng như lời đồn, rác ở mọi nơi, trên khắc các con đường (trừ một số khu nhà giàu và ở India Gate), có chỗ chất thành đống. Mọi người ăn uống xong và cùng nhau xả rác. Và đương nhiên vì quá nhiều các loại phương tiện giao thông cùng rác, chưa kể thời tiết vào hè nóng bức, cả thành phố được phủ trong một màn khói và bụi mờ ảo. Nghe có vẻ ghê nhưng cái này lại ăn ảnh lắm. Tuy tình hình vệ sinh môi trường là thế nhưng mình vẫn phục người Ấn vì họ sáng tạo ra rất nhiều máy móc thân thiện với môi trường, cái này mình sẽ kể ở bài sau. Người Ấn thì khỏi chê, những người mình gặp đều rất dễ thương, nhiệt tình và tốt bụng vô cùng, mình cũng có bị lừa vài lần (sẽ kể trong các bài sau), nhưng chuyến đi lần này dù bị lừa mình vẫn thấy rất vui vì dù sao cũng được trải nghiệm đầy đủ các cảm giác ngạc nhiên, hào hứng, vui vẻ, bực tức, rồi tức giận hay thất vọng vì bị lừa nữa.
Bài đầu tiên trong chuỗi bài Kể chuyện đi Ấn Độ là Old Delhi, mình sẽ trở lại với một Delhi khác hẳn trong bài sau nhé, một Delhi sạch sẽ và hiện đại hơn.
Bọn mình đáp chuyến bay từ Manila quá cảnh ở Kuala Lumpur rồi tới Delhi vào lúc 11h đêm, sân bay ở thủ đô Delhi của Ấn Độ làm mình khá bất ngờ vì nó quá sạch đẹp và rất rộng, cùng với hệ thống kiểm tra dấu vân tay (lúc nhạy lúc không nhạy) hiện đại ở khu vực hải quan. Thủ tục rất nhanh chóng tiện lợi, họ chỉ kiểm tra tờ giấy của e-tourist visa mà mình in ra rồi đóng dấu, đưa thêm cho 1 tờ hướng dẫn đi ra ngoài lấy sim miễn phí như thế nào nữa. (Ai làm visa Ấn Độ dạng e-tourist visa đều được 1 sim miễn phí ở ngoài nhé, sim này sau khi gắn vào điện thoại thì mất một lúc mới dùng được). Tuy rộng rãi, sạch đẹp nhưng có một điều mình không thích về sân bay ở đây là wifi, kết nối này kia quá phức tạp, phải có số điện thoại thì mới kết nối được, vì cứ gửi mấy cái mã otp này kia kia nọ, răc rối lắm chuyện lắm. Cái sim họ phát miễn phí ở ngoài chỉ dùng gọi điện nt được thôi, còn dùng 3g thế n ào thì mình chịu vì cái hãng đấy cũng thuộc dạng hiếm có khó tìm ở Ấn. Hôm sau mình đi Jaipur thì được anh Shailendra cho một cái sim khác của hãng Jio, lên mạng vèo vèo, gọi mãi không hết tiền haha. Sau khi tìm mãi mới thấy chỗ phát sim miễn phí rồi loay hoay tìm cách vào wifi mà không được, hai đứa mình chán qua chui ra một góc ngồi, định bụng ngủ tới sáng rồi vào thành phố chơi, nhưng nghĩ thế nào lại bảo “Thôi hay đi qua chỗ khách sạn thuê hôm sau rồi ngồi ngoài sảnh cũng được, hay thuê thêm tối này để mai đi cho khỏe”. Thật ra khách sạn hay hostel bên Ấn Độ giá cũng phải chăng, nếu đi 2-3 người thì việc thuê một phòng không thành vấn đề, còn đi 1 mình mình thấy các bạn ở dorm cũng rẻ lắm. Mình đợt này đi Ấn chỉ ở Couchsurfing nhà anh Shailendra 2 đêm ở Jaipur thôi, còn lại đều ở hostel và airbnb (airbnb mình được tặng 800peso hehe nên ở 2 đêm mà tính tiền có 1 đêm). Nói đến hostel thì bên Ấn Độ có nhiều vô số, nhưng về cơ sở vật chất và độ bẩn thì thôi rồi, trên booking.com thì đa số là review giả. Tuy nhiên sau nhiều lần ở mấy chỗ hostel te tua, thì bọn mình có kinh nghiệm nên đêm cuối ở Delhi đã ở được một hostel rất dễ thương và sạch sẽ, à cả ở Rishikesh nữa, 2 đêm airbnb ở Pushkar nhà cô Helen cũng sạch sẽ lắm, nhà cổ như cái resort luôn, cả ở nhà anh Shailendra trên Couchsurfing nữa hehe (Cái này không tính). Các đêm kinh khủng nhất của bọn mình là hostel ở Agra. Chuyện dài, để từ từ mình kể và cho thông tin các hostel sạch sẽ, thơm tho, dễ thương để các bạn ở nhé :D. Đấy, nghĩ thế rồi tự nhiên cái sim của mình sau một lúc cũng sử dụng được, mình vào mạng đặt ngay uber go bên đó để đi, bển có cả app ola để đặt taxi nữa, sau vài lần nghiên cứu mình thấy uber go rẻ hơn ola, nhưng tùy lúc, lúc nào tiện cái nào thì đặt cái đấy. Uber bên đó còn có hẹn giờ đến đón, mình thấy bác chạy uber tới rất đúng giờ nhé. Còn app Ola thì có cả wifi trên xe, mỗi tội leo lên xe là phải đọc mã OTP cho bác tài, mà xe bên ola không được thơm như uber. Bọn mình đi uber từ sân bay về hostel ở khu Main Bazar, Paharganj hết hơn 300 rupee do giờ đó tàu điện metro từ sân bay về trung tâm đã ngưng chạy. Cái khu Main Bazar này nhộn nhịp, đông vui, nhiều hàng quán lắm, lại gần trạm metro nữa, tuy nhiên hầu hết các khách sạn hay hostel ở khu này đều không được sạch sẽ cho lắm. Điển hình là chỗ mình ở đây, nên mình sẽ không cung cấp thông tin về chỗ này trong bài này nha.
Do đi về khách sạn buổi tối nên cũng không nhìn rõ Delhi lắm, nhưng đến sáng khi bị đánh thức bởi đủ thứ âm thanh từ đủ các loại xe cộ dưới đường, bọn mình đã dậy mà không cần báo thức. Đứng ở hành lang nhìn ra đường mới thấy “Ôi, chúng ta đúng là đang ở Ấn Độ rồi!”, lúc đấy mình còn không tin vào mắt mình cơ, mọi thứ đều lạ lẫm quá, đường phố và các tòa nhà tuy cũ nhưng nhìn rất nhộn nhịp, tràn đầy sức sống, cùng đủ loại âm thanh còi xe… Trên đường đi ra bến tàu điện metro để đi Jama Masjid và Red Fort, chúng mình ghé ăn sáng ở một quán nhỏ ven đường bán món paratha chấm với loại nước sốt hơi đậm vị masala/ cà ri Ấn. Hai cái bánh paratha cùng nước chấm tốn của bọn mình chỉ 20 rupee, ăn xong hỏi anh bán hàng giờ vứt túi với giấy báo đựng bánh ở đâu, anh cười khì ra giấu bảo quăng ra ngoài đường đi. Bọn mình ngại quá nên cứ cầm rồi tìm cái thùng rác bỏ vào, để mặc anh chàng bán bán đứng cười khì. Được đà ăn bữa sáng rẻ quá, hai đứa ghé ngay quán lassi đối diện bên đường kêu 2 ly lassi giá 30 rupee/ly để uống. Vừa uống vừa khen sao lassi bên này ngon quá, khác hẳn với lassi ở quán Ấn mà bọn mình ăn ở bên Manila (tuy nhiên sau này mới biết lassi có nhiều loại, loại ngọt và mặn cùng gia vị masala, cái mà bọn mình uống ở Manila là loại hơi mằn mặn, có vị Masala). À mình nói một chút về masala, masala dùng để gọi các loại gia vị mà người Ấn sử dụng trong nấu ăn và pha chế một số loại thức uống (như hạt cumin, quế, thảo quả…). Các loại gia vị này rất tốt cho tiêu hóa, nên mình qua Ấn mặc dù không ăn nhiều rau nhưng chưa bị táo hôm nào.
Lang thang ăn uống mãi hai đứa mới đi tới trạm tàu metro, vừa đi vừa phải từ chối các chú chạy xe auto (rickshaw), loại xe như xe xích lô máy ở Thái Lan đó mọi người. Hôm đầu chưa có kinh nghiệm đi loại xe này, nhưng sau đó hai đứa mình đã tìm được cách đi xe này rẻ, mà vụ này kể sau. Tàu điện metro ở Ấn đi rất thích, rất êm, mới, mát và hiện đại như của các nước Mỹ hay Sing… mà mình đã đi qua, khi vào họ cũng bắt kiểm tra hành lý và các túi mang theo qua máy quét như ở sân bay (ở Philippines chỉ bắt mở túi ra coi rồi thôi, sợ chết được!). Nam và nữ sẽ đi qua máy quét do các nhân viên nam hay nữ kiểm tra riêng, riêng túi xách thì bỏ chung vào một máy. Token để đi metro được bán ở phòng vé hay các máy bán vé tự động, đừng ngạc nhiên khi thấy đứng mãi mà không tới lượt vào giờ cao điểm, vì bên đó nhiều người không có khái niệm xếp hàng, họ giành giật vé ghê lắm. Các bạn nên mua ở các máy tự động (nếu là giờ cao điểm) vì ít người hơn, căn bản là do dân chúng Ấn Độ chưa rành cách sử dụng loại máy này lắm. Vé metro chỉ khoảng từ 8-18 rupee tùy khoảng cách thôi, rất rẻ, nên nếu ai du lịch ở Delhi thì nên di chuyển bằng metro cho tiết kiệm.
Định viết về Old Delhi trong bài này thôi, nhưng có vẻ mình dài dòng quá nên hẹn các bạn hôm sau lại kể tiếp nhé. Mời mọi người cùng xem hình ở phía dưới:
Để giúp mình duy trì blog, bạn đọc có thể đóng góp bằng cách click vào link dưới, cảm ơn các bạn nha 🙂
Tặng Ngân 1 ly cà phêBạn có thể cũng quan tâm đến các bài viết sau
2 Comments
Pingback: Kể chuyện đi Ấn Độ: Old Delhi, Jama Masjid và Red Fort (2) - Ngân Balo
Pingback: Kể chuyện đi Ấn Độ: Cảm động về sự nhiệt tình và thân thiện của người Ấn (4) - Ngân Balo