Hôm đó là hôm cuối cùng ở Kota Kinabalu, mình phân vân lắm, không biết nên quay lại Kinabalu park để xem bông hoa lớn nhất thế giới, Rafflesia, hay là quay ngược đến wetland xem khỉ mũi to (Cầu treo ở Poring Hotspring, Malaysia không phải là mục đích đầu tiên của mình khi nghĩ đến Poring Hotspring, tuy nhiên khi đến nơi mình rất thích thú và ngạc nhiên vì nó quá đẹp).
Cuối cùng vì tò mò về bông hoa và nghĩ rằng nếu đi Poring sẽ có thể ghé qua Desa farm uống sữa bò luôn, mình đã quyết định quay ngược lại Kinabalu park. Lúc đầu dự định check out khách sạn sớm để đi, nhưng ngờ đâu anh người yêu lại bị cảm lạnh, thế là mãi đến hơn 10h mới đi được. Lúc đi ra ngoài bọn mình nghĩ sẽ tiếp tục đi mini van nhưng cuối cùng thế nào thử book uber xem có ai chịu chở ra ngoài thành phố không. Tự nhiên có bạn kia cũng dễ thương, nhận luôn, mình cũng đoán lờ mờ chắc lên xe rồi bạn ý lại từ chối như những bạn khác thôi. Mà đúng thật, 2 đứa leo lên xe cái là bạn ấy nhẹ nhàng quay lại từ chối, tuy nhiên lần này khác các lần trước, bạn này gợi ý rằng bạn ấy có thể chở bọn mình đi cả ngày với điều kiện bọn mình phải trả cho bạn ấy 300ringgit. Nói thật hôm đó cũng hơi mệt, mới cả tính đi tính lại thấy đi vòng vòng thì 300 ringgit cũng không nhiều hơn là bao nhiêu. Vì đi mini van từ Kota Kinabalu lên Poring Hotspring cũng đã hơn 20 ringgit/lượt rồi (Poring xa hơn chỗ leo núi Kinabalu phải hơn 1 tiếng đi xe nữa, chưa kể lúc quay lại bọn mình muốn ghé vô Desa dairy farm chơi), nên nhận lời luôn.
Cậu bạn đấy kể ra cũng dễ thương, bạn chở bọn mình qua thăm nhà thờ Hồi Giáo Kota Kinabalu, rồi chở tới Poring, lại còn mua cho 2 đứa vé cho dân bản địa nữa (coi vậy chứ tiết kiệm được nhiều lắm, vì bình thường vé cho người nước ngoài là 15 ringgit thì người bản địa chỉ trả có 5 ringgit hay ít hơn thôi). Vé vào Poring cho người nước ngoài là 15 ringgit, nhưng mình thấy nó là cái phí bảo vệ rừng bọn mình đã đóng ở Kinabalu park rồi (Poring cũng thuộc vườn quốc gia này luôn) nên nghĩ nếu bạn nào đã đóng tiền rồi thì cầm cái vé để khỏi đóng nữa. Ngoài ra khi đi vào trong một số khu vực sẽ yêu cầu bạn mua vé luôn. Ví dụ như chỗ cái cầu mình đi vào phải mua vé.
Poring Hotspring khá rộng, nếu đi buổi chiều mình nghĩ các bạn sẽ không kịp đi cái thác nước lớn ở sâu phía trong đâu, vì thác này sau 4 giờ chiều họ không cho đi vào rồi. Trong Poring Hotspring có một khu bảo tồn loài hoa to nhất thế giới Rafflesia, tuy nhiên hôm mình đi hoa chưa nở nên người ta rào lại nguyên khu không cho khách du lịch vào vì sợ làm hỏng hoa. Thật ra 2 bên đường cũng có nhiều cây hoa này lắm, nhưng do không phải mùa nên không xác định được cây nào là cây hoa Rafflesia. Ở Kinabalu Park bữa đi trek mình thấy có chim chóc khá nhiều, nhưng bên Poring Hotspring toàn khỉ là khỉ haha, đi vô thác mà nó nhảy ầm ầm ở trên cây.
Chính vì lang thang trong khu Poring này lâu quá đến lúc quay trở ra đi qua Desa Dairy Farm thì họ đóng cửa mất rồi, may vớt vát được vài tấm xung quanh khu đấy (lúc mình tới là 5 giờ chiều, họ vẫn cho vào nhưng các hoạt động như vắt sữa bò hay cửa hàng bán các sản phẩm từ sữa đã đóng cửa).
# Cách đi:
- Từ thành phố Kota Kinabalu các bạn đi bộ ra chỗ mini vans để đi Kinabalu park, xong hỏi xem xe nào đi Poring Hotspring, hoặc đi từ Kinabalu park thì mọi người ra ngoài chờ xe đi là được.
- Desa Dairy farm thì mình không rõ đi như thế nào, vì không thấy xe buýt đi ngang khu đó, nhưng lúc đứng ở Kinabalu park nhiều taxi hỏi chở đi lắm, mọi người cứ đi taxi cũng được. Từ Kinabalu park đến Desa dairy farm đi chắc 30 phút thôi, đừng trả nhiều tiền quá nha.
# Thời gian mở cửa: cả Poring Hotspring với Desa dairy farm đều mở từ sáng đến 5 giờ chiều
# Mùa hoa Rafflesia nở: nghe đâu nở quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa mưa, tháng 8 với tháng 9 đi chắc chắn sẽ thấy hoa Rafflesia
Để giúp mình duy trì blog, bạn đọc có thể đóng góp bằng cách click vào link dưới, cảm ơn các bạn nha 🙂
Tặng Ngân 1 ly cà phêBạn có thể cũng quan tâm đến các bài viết sau