Batanes được mệnh danh  như  một điểm đến mới, một New Zealand của Philippines, nơi mà hầu  như người Philippines nào cũng muốn một lần được tới thăm. Hôm nay mời các bạn đọc bài vềKinh nghiệm du lịch Batanes, Philippines từ cô bạn Hưởng của chúng ta nhé!

 

Hôm nay tôi có nhã hứng kể mọi người nghe về chuyến đi kéo dài một tuần lễ đến nơi được mệnh danh là Ireland thu nhỏ ở Philippines. Tháng 12 không phải là thời điểm đẹp để đi Batanes, thì đã sao, với tôi, thời điểm đẹp nhất là thời điểm tôi hứng nhất và có bạn đồng hành ưng nhất. Vì biết đâu được, nếu không là bây giờ thì sẽ là không bao giờ. Và biết đâu được, những người bạn đồng hành xưa cũ sẽ mãi là thì quá khứ xa xôi. Để giờ đây, tôi có cái mà ngồi dài dòng văn tự với mọi người. Trong những câu tôi thích có “Mọi thứ xảy ra đều có lý do.” Mọi chuyện bắt đầu từ đấy.

 

Batanes có lẽ là điểm đến ấn tượng nhất ở Philippines mà tôi từng được đặt chân. Những hình ảnh đầu tiên của Batanes hiện ra xuyên qua ô cửa kính máy bay khiến tôi không thể nào rời mắt khỏi – như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Nằm lọt thỏm giữa đại dương mênh mong, đồi núi dựng lên với màu xanh bạc ngàn của đồng cỏ. Dọc theo sườn núi một con đường sát biển uốn lượn những đường cong gợi cảm. Những ngôi nhà trên đồi, nhỏ xinh, nên thơ vô cùng. Và bến cảng với những con thuyền cũng hiện ra nhỏ bé. Những con sóng lớn thi nhau cuốn vào bờ với một bên vách đá sừng sững và một bên bãi cát trắng trãi dài xa tít tắp.

Batanes những ngày tôi ở đây, trời nhiều mây mà theo như người dân ở đây thì không mưa đã là tốt lắm rồi. Tôi đến Basco vào một trưa nắng nhẹ và rời Basco vào một sáng mưa phùn. Basco là thị trấn của Batan – đảo chính và lớn nhất trong cụm ba đảo của Batanes và là nơi đặt sân bay duy nhất ở đây. Hai đảo còn lại là Itbayat và Sabtang. Sân bay ở đây rất hoang sơ, chỉ có mỗi đường băng và một căn nhà có cấu trúc mở với cánh cổng xuyên qua để đến quầy thu phí môi trường.

 

Sau khi hoàn tất thủ tục tạm gọi là check in Basco, chúng tôi kéo vali đi dọc trục đường chính ra khỏi cổng sân bay. Không thấy một chiếc taxi hay tricycle nào quanh đấy, chỉ có vài chiếc ô tô của người trong sân bay, tôi lại kéo vali đi thẳng trục đường nối liền với cổng sân bay với hy vọng tìm được chiếc tricycle nào đó. Trên con đường hơi đổ dốc xuống bằng xi măng, những ngôi nhà trãi dài dọc đường xinh xắn với những hàng cây hoa cảnh dọc theo rãnh nước. Cảm giác gần gũi và xa xôi, tôi thấy như mình về nhà nhưng cũng không hẵn là vậy. Nơi đây lạ mà như thân quen lắm. Có lẽ, ai đã từng ở quê sẽ có cùng cảm giác như tôi.

 

Đi được một đoạn, cảm thấy không có triển vọng gì và nghĩ chắc đảo nào không lớn lắm, chúng tôi dừng lại hỏi thăm hai người lao công đang quét đường gần đó đường đến Marfel’s homestay. Đi thẳng, rẽ phải khoảng 500m là tới. Dễ ợt, hai đứa cứ thế đi thẳng. Được một đoạn, cô lao công chạy theo chặn lại, nói 2 đứa đi sai đường rồi, phải rẽ phải ngay ngã rẽ đầu tiên mới đúng. Cơ mà đường ở đây nhỏ xíu, nhiều ngã rẽ nữa, nhìn cứ tưởng nó không phải là cái đường. Cô ấy thật nhiệt tình, làm mình thêm cảm mến cái nơi lạ mà quen này ngay phút giây ấy.

 

Marfel’s homestay có tới 3 nơi ở không gần nhau lắm. Chị chủ cũng rất nhiệt tình tư vấn cho hai đứa chỗ ở rẻ nhất và vì không đặt trước nên mỗi ngày ở một nơi. Theo như kế hoạch ban đầu sẽ là đi Itbayat 3 ngày, Sabtang 2 ngày và Basco (Batan) những ngày còn lại. Nhưng Itbayat không với đến được do không có chuyến bay mà thuyền thì đi mất hơn 4 tiếng trong tình trạng thời tiết không mấy tốt đẹp và biển thì lúc nào sóng cũng dữ dội.

 

Quyết định từ bỏ Itbayat quả là một quyết định khó khăn, vì đảo này nghe đồn là đảo đẹp nhất. Hay cũng có thể do ít người dám mạo hiểm 4 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển để chạm tay vào điều ước nên nó trở nên đẹp nhất. Thường là vậy, những thứ khó đạt nhất là những thứ được xem là đẹp nhất. Hoặc cũng có thể là nó đẹp thật, vì có rất ít hình ảnh được ghi lại ở đó, nên chỉ những người đã thực sự đặt chân đến đó mới biết thực hư thế nào thôi.

 

Kế hoạch thay đổi, chúng tôi quyết định ở lại Basco 2 ngày để đi south và north tour. Sau đó, đi Sabtang 2 ngày và quay lại Basco những ngày còn lại. Và như tôi nói, hôm tôi đến là một ngày nắng nhẹ và theo như lời chị chủ nhà thì thời tiết tháng này không mưa đã là đẹp lắm rồi. Hai đứa quyết định đến đây với mục đích tối thượng là chụp hình long lanh để sống ảo, nên nếu hình không long lanh mấy thì cũng hơi buồn trong dạ. Nhưng linh tính thế nào vẫn quyết định không bỏ lỡ thời tiết “đẹp” theo lời chị chủ dù nắng thế này thì hình cũng không đẹp mấy.

 

Chúng tôi về homestay đầu tiên là Marfel’s lodge và thích nó ngay cái nhìn đầu tiên. Nó là một căn nhà trên đồi, phía trước là khoảng sân rộng có cỏ xanh mướt, có lối nhỏ đi vào với hai bên là hai hàng hoa. Quanh nhà cây xanh um. Trước cửa là bộ bàn gỗ. Bên trong thêm một bộ bàn gỗ chưng bông xinh xắn, trước mặt là một chiếc tivi nhỏ, cạnh đó là một chiếc bàn ăn tròn. Nhà có 4 phòng ngủ, một toilet, một phòng tắm và một nhà ăn với một gian hàng “thành thật”. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe kỹ hơn về cửa hàng thành thật sau. Điều đầu tiên đập vào mắt tôi trong ngôi nhà là những mảnh sticky notes chi chít trên tường do những người du lịch đã từng nghỉ chân ở đây để lại. Bên dưới có cả 2 quyển sổ có chức năng tương tự. Và nhân tiện tôi cũng đã để lại vào dòng vào tối đêm đó.

 

Cùng những mảnh giấy tôi phát hiện một bước ảnh có hình coconut scrap với dòng chữ “Help us to protect coconut scrap”. Trước khi đi đâu đó, tôi thường hay lên lịch trình và tìm hiểu sơ qua về nơi đó. Lần này cũng không ngoại lệ. Tôi đã nhìn thấy em cua ấy trên google image và hào hứng vô cùng muốn thưởng thức món đặc sản đồng quê này. Thích vậy mà sau khi xem được dòng chữ này, cảm thấy thương em ấy vô cùng. Nghe người dân ở đây kể thì cua này sống bám theo thân dừa và đang dần dần đi vào tuyệt chủng do lượng du khách đến đây ngày một đông và người dân không thể nuôi được để phục vụ, chỉ có thể bắt từ thiên nhiên mà thôi. Đến một lúc nào đó, coconut scrap sẽ chỉ còn trên hình ảnh và trong ký ức những người từng biết đến.

Nghỉ ngơi một tí chúng tôi bắt đầu buổi chiều đầu tiên ở đây với North tour do nơi đang ở nằm ở phía bắc của đảo, một buổi đi tour gần mới kịp thời gian. Ngày hôm sau sẽ là South tour. Cảnh ở đây thì không có bút mực nào tả nổi rồi, chỉ có thể đến và cảm nhận theo cách riêng của bạn. Tôi chỉ có một cảm giác duy nhất là không muốn về thôi.

 

Là hải đăng, là cao nguyên lộng gió với những đồng cỏ bạc ngàn và đàn gia súc, là vách núi sừng sững cheo leo, là biển với những ngọn sóng liên tục dập vào bờ trắng xóa, và nhiều nhiều nữa mà ngay khi đánh những dòng này tôi vẫn như nghe thấy tiếng gió, tiếng sóng bên tai. Thiên nhiên thật hùng vĩ và con người thật nhỏ bé. Chưa bao giờ hết, ngay lúc đó, tôi cảm nhận mình thật nhỏ bé. Ngồi trên giữa ngọn đồi cao, nhìn về phía biển, thấy mình như lọt thỏm giữa vũ trụ mênh mông. Chỉ muốn ngồi đó, ngồi yên đó, nghe sóng, nghe gió, không lo toan, không muộn phiền. Không phải là những con sóng rì rào, không phải là những cơn gió thoảng, mà là sóng dữ dội và gió lồng lộng, như thổi bay đi hết mọi thứ phiền não trong đầu, nhẹ tênh.

 

Ngày thứ 2, trời cũng ưu ái cho chúng tôi buổi sáng nhiều mây, đủ để đi hết south tour. Chiều hôm đó mưa và chúng tôi nghỉ ngơi. Cảm thấy thật may mắn vì đã quyết định sáng suốt cho ngày đầu tiên. Điểm đến thú vị nhất có thể nhắc đến là Honesty Cafe Shop. Hai vợ chồng ông bà chủ làm nông và mở ra quán cafe này để bán những sản phẩm họ chế biến ra, một số quà lưu niệm, đồ ăn liền, cafe và đặc biệt là tỏi và nghệ – đặc sản ở đây. Điều đặc biệt của quán cafe này là không có ai quản lý cả. Hàng được bày ra trên kệ với giá niêm yết sẵn. Trên bàn có một quyển sổ để người mua có thể ghi tất cả các món hàng mà họ mua cùng với giá thành và tổng số tiền chi trả. Ở quầy không có người chỉ có một thùng để bỏ tiền vào. Người mua chỉ việc lấy hàng, ghi vào sổ và bỏ tiền vào thùng tiền, vậy là xong. Đây là mô hình lớn. Ngoài ra, có rất nhiều mô hình thu nhỏ của cửa hàng này trong các homestay để phục vụ cho du khách, chỉ cần lấy món đồ và bỏ tiền theo giá ghi sẵn vào thùng đựng tiền. Và dĩ nhiên để những mô hình này tồn tại, du khách phải thành thật.

 

Ngày thứ 3, chúng tôi cần phải đến bến phà đi Sabtang lúc 6h sáng cho kịp chuyến đầu tiên. Vì mỗi ngày chỉ có 2 chuyến, nếu không kịp chuyến đầu lúc sáng sớm, sẽ phải chờ đến chuyến cuối vào giữa trưa. Chúng tôi dậy từ tờ mờ sáng và trời thì mưa tầm tã. Ngồi trên tricycle đi bến phà mà nghĩ hôm nay toi một ngày rồi. Trời vẫn đang tối đen như mực và mưa thì vẫn tầm tã. Dù đã có che chắn kỹ nhưng vẫn ướt … cái quần. Thảm hơn là vali đồ cũng bị ướt đáy và đồ gần đáy cũng ướt theo. Nếu chỉ mưa thì chắc không đến nổi, nhưng do có một đoạn đường ngập nước khá sâu do rãnh thoát nước bị rác chặn không thoát được nước. Đường đi thì một bên là vách đá sừng sững, một bên là vực sâu vì đường chạy uốn lượn theo sườn núi sát biển. Chú Tricycle phải nhờ người đẩy phụ xe qua vùng nước sâu vì không dám chạy sợ nguy hiểm. Cũng may là có một anh đi xe máy dừng lại phụ chú đẩy xe qua vì cũng không mấy người ra đường giờ đó mà lại mưa gió nữa. Chú cũng không cho chúng tôi ra khỏi xe vì nước khá sâu. Nhiệm vụ của hai đứa là ngồi trên xe nhấc vali lên để không bị ướt, mà nó vẫn bị ướt, thương chú vô cùng.

Cuối cùng, cũng đến được bến phà kịp giờ chuyến đầu tiên, mừng hú hồn. Do vẫn còn mưa nên biển khá yên không như lúc về. Lúc về sóng dữ dội do trời không mưa. Sóng lớn đến mức tôi không dám nhìn ra ngoài biển, vì cứ như sóng sắp nuốt chửng con thuyền. Lại nói về hôm đến, mưa suốt luôn đến tận chiều. Cả ngày hôm đó, hai đứa tự kỷ sống ảo trong căn nhà homestay ngay gần bến phà, đối diện đồn cảnh sát. Đó là một căn nhà bằng đá mà tôi hay nói vui là ở nhà đá. Có thể gọi là nhà truyền thống ở người dân nơi đây, giống như ngày xưa, dân mình có nhà bằng rơm vậy. Nhà có một trệt và một lầu. Tầng trệt chỉ có toilet và chỗ để xe. Lầu có một phòng khách lớn, 2 phòng ngủ nhưng có tận 3 cái giường, một cái để ở phòng khách. Có hai cửa sổ nhìn ra đường lớn, một cửa sau có thể ra mái hiên có rất nhiều cây xanh. Trong nhà tranh trí một số đồ truyền thống, có áo bằng cỏ và mủ bằng cỏ mà người dân hay dùng để đi đồng lúc trời mưa. Nhìn ngôi nhà làm tôi cứ nhớ nhà nội hồi xưa quá đỗi.

 

Theo như cô chủ thì vô tư, không cần đóng cửa, ở đây tuyệt đối an ninh. Dù sao thì hai đứa cũng không dám để yên cửa đó và đi ngủ, nên thôi đóng cửa lại cho nó an tâm. Chỉ có đêm đầu tiên thôi. Đêm thứ hai thì không thèm đóng nữa. Ngày hôm đó đói móc meo, cuối ngày mới được ra đường mà cũng không có hàng quán gì nhiều. Chỉ vài quán tạm hóa, có thể mua được chút đồ khô và nước uống, giá cũng không đắt mấy so với chi phí phải vận chuyển ra đến đảo. Mà người dân ở đây buôn bán như thể phục vụ nhu cầu của người dân hơn là kiếm lời. Vài lần, tôi mua đồ hoặc đi ăn, họ thối lại hơn tiền thừa, và tôi cứ phải tính lại để không lấy nhầm tiền thối.

 

Ngay cả phí đi thuyền, họ cũng không quan tâm bạn có thanh toán hay chưa. Hai bên bến tàu không có bất kỳ quầy thu phí nào. Để lên thuyền, chúng tôi chỉ cần ghi tên vào danh sách của thuyền đó là được. Lúc đi, tôi hỏi người đưa giấy là khi nào thì thanh toán, người đó nói là khi sang bờ bên kia thì sẽ thanh toán. Lúc sang đến bờ bên kia, tôi lại hỏi khi nào thì thanh toán, người đón chúng tôi nói là khi về thì thanh toán. Lúc đi về, tôi đinh ninh là sang lại bờ bên này thì thanh toán. Thế nhưng cuối cùng, sang bờ về lại xong lên đến đường xe chạy, đứng chờ mãi chẳng thấy ai thu tiền cả. Tôi mới đi ngược lại chỗ lên thuyền hỏi anh có cái túi mang ngang bụng xem tiền bạc thế nào. Lúc ấy, anh ấy mới cho biết là thanh toán cho anh ấy. Đưa tiền hai đứa, anh ấy lại chỉ lấy một người, phải nói lại đến lần hai anh ấy mới hiểu là thanh toán cho hai người và hai lượt đi về.

 

Con người ở đây thật sự để lại ấn tượng khá sâu sắc với tôi. Tôi cảm giác như tôi ở quê tôi thời còn nhỏ xíu. Lúc đó chắc tôi khoảng 5-7 tuổi. Người dân quê thật thà, chân chất, hiền lành không hề toan tính thiệt hơn, sống giản dị, mộc mạc, đủ ăn qua ngày là được. Không hề có chút cảm giác nào là đến một địa điểm du lịch cả. Mấy ngày đạp xe ở Basco, không biết nên đi đường nào, mà dọc đường không có ai để hỏi. Thế là hai đứa ngoắc đại xe chạy ngược chiều, có một chị chạy xe máy tới tấp xe lại ngay chỗ hai đứa chỉ dẫn tận tình luôn, cưng hết biết. Thật sự, nếu bạn muốn đến đây, hãy đi ngay khi nó còn chưa bị du lịch hóa.

 

Ngày thứ 4, chúng tôi đi Sabtang tour. Sabtang nhỏ thôi, với những ngôi nhà bằng đá. Cảnh thì như tôi đã nói, các bạn phải đến để tự cảm nhận, vì tôi không thể tả hết được. Cứ sợ không đủ tài viết để tả sẽ làm giảm bớt vẻ đẹp của nơi này. Đặc biệt nổi bật có thể nói đến nhà đá, nhà đá có mặt khắp mọi nơi. Gần như tất cả nhà ở đây đều bằng đá cả, rất kiên cố, chắc như vậy mới đủ sức chóng chọi với những cơn bão. Philippines là nơi đón đầu của những cơn bão, mà hầu như là phía bắc đảo Luzon và Batanes. Cứ nhìn những cây dừa ở đây cũng đủ hình dung được sức tàn phá của bà mẹ thiên nhiên khốc liệt đến mức nào. Ở đây có rất nhiều cây dừa nhưng không có nước dừa. Đơn giản bởi vì không có trái dừa nào trụ lại nổi trên cây đến khi có thể uống được. Lá dừa mà còn sơ xác đến thảm thương.

 

Trong tour sẽ có ăn trưa tại nhà hàng ngay biển Morong (nói là nhà hàng thôi chứ chỉ như một quán ăn), và nhà hàng đó có CUA. Ôi! Coconut scrap, ước gì tôi đã không biết gì về nó. Ngay bàn bên cạnh, người ta đang ăn. Kìa cái vỏ cua, nhưng thôi quyết tâm không ăn. Ít nhất thì bớt hai cái miệng ăn cũng bảo vệ được 2 con cua. Và đến giờ vẫn không hối tiếc về quyết định đó.

 

Lưu lại Sabtang thêm một đêm, sáng hôm sau chúng tôi rời sớm về lại Basco, tiếp tục những ngày lê lết. Kế hoạch là mướn xe đạp chạy vòng vòng. Và kế hoạch cũng được hoàn thành xuất sắc với hai ngày đạp xe từ nam chí bắc, tan nát bầm dập. Gió thì lớn, dốc thì cao, vực thì sâu, vừa sợ, vừa thích. Nhiều chỗ đạp không nổi, phải xuống dắt bộ mới lên nổi dốc. Vậy mà cũng lết được tới Fundacion Pacita – nơi này trong tour không ghé qua – uống trà và ăn món ivatan salad. Món này được trộn từ một loại rau rừng na ná như rau chạy, mà rau chạy quê tôi hay ăn luột chứ không ăn sống thế này. Tôi cũng ráng cố gắng ăn hết dĩa mà không dám ăn lại thêm lần nữa. Nhân tiện dân ở đây là dân ivatan. Và món rau rừng đó trong một nhà hàng ở Basco được luột chứ không ăn sống, cũng ngon lắm.

Hai nhà hàng tôi đã ăn qua và lúc đó cũng không có cái nào khác. Một là Octagon có view biển khá đẹp và hai là Pension Ivatan có đồ ăn khá ổn. Giá cả cũng như Makati nên cũng ok. Chúng tôi ưng chỗ Pension Ivatan hơn vì đồ ăn có nhiều rau, còn Octagon thì đến ăn 2 lần sống ảo rồi thôi. Hầu như những ngày ở Basco, ngày nào cũng lết ra Pension Ivatan đến nổi quen luôn một em mèo ở đó. Ẻm màu trắng đẹp lắm, mà như là mèo hàng xóm chứ không phải của quán đó. Cứ mỗi lần tôi đến ăn là em ấy xuất hiện. Có bữa cho em ấy ăn cả gần nửa phần cá của mình. Một hôm ăn sinigang, bỏ đầu tôm cho em ấy mà em ấy không ăn, mới biết là mèo không ăn chua. Lại có một kỷ niệm khác ở đây. Một hôm, sau khi ăn xong, cô bạn đồng hành mới gọi anh phục vụ lại tip. Ảnh một mực từ chối, rất thẳng thừng và kiên quyết, như thể tip là điều sỉ nhục với anh ấy vậy. Thế là, cô bạn bật khóc làm tôi tiêu nghễu, nửa buồn cười nửa xót xa. Cô ấy có tâm hồn mỏng manh, yếu đuối, dễ vỡ, chắc là bị tổn thương vì nghĩ mình vừa làm gì đó rất tồi tệ. Nhưng sau đó, chúng tôi thấy không phải ai cũng phản ứng mãnh liệt như anh bồi bàn ấy, có thể có sự tích gì ở đây.

 

Ngày trước khi về, chúng tôi quyết định leo núi. Vốn dĩ là dân săn núi nên núi này cũng không thể bỏ lỡ, Mt. Iraya. Guide là con chú tricycle ở Basco. Thằng bé bỏ một buổi học để dắt hai bà chị đi leo núi. Hôm đó trời mưa râm râm suốt trong lúc leo và lúc về thì mưa tầm tã ướt nhẹp. Thật ra là từ lúc đi đã ướt do cây cối um tùm đọng nước mưa. Cỏ cắt thì thôi nát chân mà được cái có nhiều lan rừng và một số hoa cỏ lạ và đẹp. Có đoạn, cây xẹt qua trán đổ máu. Hai bà chị thì lê lết, còn thằng bé thì nhanh như choắt mà vừa đi vừa nhắn tin mới ghê. Không biết nhắn tin cho ai mà điện thoại tin nhắn đến tới tấp và em ấy phản hồi nhanh cũng không kém. Đường đi càng lúc càng khó đi. Phía dưới thì phải luồn xuống dưới mấy cái cây, chung qua kẽ hở của tụi nó, có khúc thì lầy lội, có lúc phải leo lên thân cây nữa. Lên tới trên thì đường còn như một rãnh nước, bằng đúng một bàn chân, hai bên là sậy cao gấp đôi người.

Trên đường còn có mấy em rắn vàng nữa. Lúc đi và về thì thằng bé đều đi trước và em ấy có mang theo một con dao phai to dắt ngang lưng quần. Lúc đi, em ấy phát hiện con rắn và xua nó đi cho hai bà chị leo lên. Lúc về, chả hiểu mô tê thế nào mà em ấy đi qua rồi đến hai bà chị thì hai bà chị phát hiện một em rắn vàng nằm quấn tròn chễm chệ ngay sát mém đường rảnh nước. Vừa tá hỏa và thắc mắc sao thằng bé đi qua được con rắn mà cả hai không nhận ra nhau. Quái lạ vô cùng. Hai đứa nhanh chóng quên cái sự lạ đó đi để tính làm sao với em rắn. Thằng bé quay lại thấy con rắn định rút dao ra chém nó. Nhưng đã kịp bị hai bà chị ngăn cản nên em ấy đã xua con rắn đi thành công mà không giết nó. Cuối cùng thì cũng xuống được núi an toàn. Xong xuôi mới hỏi em ấy là con rắn có độc không thì ẻm nói là có. Thôi thì cũng đã qua, hãy tha lỗi cho nhau vậy.

Không thể bỏ qua cái quan trọng nhất của mỗi cuộc leo núi là quang cảnh. Đáng buồn thay, trời thì mưa và núi thì cao hơn 1000m mà lại ở cao nguyên nên đỉnh núi chỉ có mỗi mây là mây. Ở đây sương khói mờ nhân ảnh, ai thấy gì đâu mà hông hững hờ. Thời điểm đẹp để leo núi này là mùa hè vì lúc đó trời quang mây tạnh thì mới view được hết đảo tuyệt cú mèo. Thôi thì mỗi cuộc hành trình đều có thú vị riêng của nó. Dù gì thì cũng đã lên được đến đỉnh dù không có gì trên đó ngoài cái đỉnh, cũng ngắm được hoa lá cỏ cây nơi đây. Cũng có được kinh nghiệm phân biệt đâu là rau ivatan đặc sản nơi đây và đâu là cây không ăn được dù ngoại hình chúng rất giống nhau, để mà sau này có lạc đâu đó trong rừng thì cũng biết cái mà ăn. Kết thúc cuộc hành trình với thân thể hơi rách một tí nhưng vui hết cỡ.

 

Và rồi cuộc vui nào cũng tàn, chúng tôi trở về với bộn bề công việc và cuộc sống thường ngày. Trở về với văn minh đô thị, với xe cộ khói bụi. Với điện, nước, sóng điện thoại và mạng internet đầy đủ mà như vẫn thiếu thốn điều gì đó của tâm hồn.
Một số thông tin có thể bạn muốn biết nếu bạn có ý định đến đây và nếu chưa quá lỗi thời:
Batanes là cụm gồm 3 đảo lớn là Batan, Itbayat và Sabtang, nằm ở cực Bắc của Philippines, giữa Philippines và Đài Loan. Trong đó, Batan là đảo chính và lớn nhất, kế đến là Itbayat và nhỏ nhất là Sabtang. Sân bay nội địa duy nhất ở Batanes nằm ở Basco (Batan).

 

Có rất ít hãng bay đến sân bay này, cho đến thời điểm hiện tại có 2 hãng là Philippines Airlines và Skyjet. Giá vé bình thường giao động từ 9,000peso đến 13,000peso. Nếu canh vé từ sớm trước khoảng nửa năm đến 1 năm, vào mùa thấp điểm hoặc có khuyến mãi có thể có giá từ 5,000peso đến 8,000peso. Có thể nói giá vé máy bay đến đây là vấn đề lớn nhất phải quan tâm. Thời điểm đẹp để đi Batanes là mùa khô hay mùa hè, từ khoảng Tháng 2 đến Tháng 5 vì thời điểm này tương đối rất ít mưa.

 

Batanes là cao nguyên nên thời tiết ở đây khá mát mẻ, trung bình khoảng 22*C. Ở đây chưa có internet, sóng điện thoại chập chờn, chỉ có sóng biển dạt dào thôi.
Chi phí của mình cho chuyến đi:
6:00AM 7/12/2016 > 8:10AM 14/12/2016
  • Flight ticket round trip PAL: Manila T3 > Basco (Batanes): 9,847pe/head (có bánh + nước)
  • Batanes eco tourist ticket: 350pe/head (đóng khi xuống sân bay Basco)
  • Homestay marfel’s lodge 350/head (nên book trước, số của ate Fe: 09088931475)
  • Homestay marfel’s annex 400/head
  • Basco tricycle tour: north: 1000, south 1500, good for 2 (chỉ cần liên hệ với chủ homestay là được Trong lúc đi tricycle tour, nên mang theo nước và đồ ăn nhẹ như trái cây, bánh mì. Những thứ này có thể mua ở chợ Basco. Basco không lớn lắm, có thể đi bộ vòng vòng được.)
  • South tour tourist fee: 50pe/head
  • Lunch 300pe/meal (cơm phần, có thể nói với tour guide book hoặc không vì tour chỉ mất buổi sáng hơn tí, sau khi về có thể tự ăn. Nếu book thì 2 người có thể ăn một phần vì một phần ăn khá nhiều và cũng không ngon lắm)
  • Mt. Iraya: 1500/grp (núi khá cao, cây nhiều và nếu có mưa thì ẩm và trơn vô cùng, nên mang quần dài)
  • Bike rental 300pe/day, 600pe/day mountain bike (có thể thử trước khi mướn)
  • Sabtang registration fee: 200pe/head (đóng khi đến Sabtang)
  • Sabtang homestay (candel family): 300pe/head
  • Boat roundtrip Basco – Sabtang: 200pe/head (chỉ có 2 chuyến/day là 6h sáng và 12h trưa)
  • Tricycle tour sabtang good for 2: 1000pe (đi cả ngày)
  • Lunch 300pe/meal (cơm phần, nhà hàng ngay biển Morong rất đẹp, nên ăn)
  • Tricycle drop roundtrip good for 2: 440pe
  • Pension ivatan: giá khoảng 100~300pe
  • Octogan: giá khoảng 100~300pe
  • Phí sân bay lúc về: 100pe/ng (chắc là phí cho nhân viên check hành lý vì chưa có máy quét)

Kinh nghiệm du lịch Batanes, Philippines Kinh nghiệm du lịch Batanes, Philippines Kinh nghiệm du lịch Batanes, Philippines

Để giúp mình duy trì blog, bạn đọc có thể đóng góp bằng cách click vào link dưới, cảm ơn các bạn nha 🙂

Tặng Ngân 1 ly cà phêTặng Ngân 1 ly cà phê



Bạn có thể cũng quan tâm đến các bài viết sau

Write A Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.